Stochastic là gì? Hiểu đúng bản chất của Stochastic

Một trong những vấn đề thường gặp nhất khi mình có cơ hội tiếp xúc với các nhà giao dịch Forex đó là phần đông mọi người không thực sự hiểu rõ về các chỉ báo kỹ thuật mà họ đang dùng. Đôi khi còn có một bộ phận các nhà giao dịch hiểu sai hoàn toàn về ý nghĩa của chỉ báo và không bao giờ tìm hiểu liệu cách hiểu của mình có đúng hay chưa. Bởi vì Stochastic là chỉ báo được sử dụng thường xuyên nhất, nên trong bài này mình sẽ giải thích bản chất Stochastic là gì, chức năng của Stochastic oscillator và nên sử dụng như thế nào trong giao dịch của bạn.

Stochastic là gì?

Chỉ báo Stochastic oscillator cung cấp thông tin về động lượng (momentum) và sức mạnh của xu hướng. Chỉ báo này cho ta biết hành động giá đang di chuyển nhanh và mạnh ở cấp độ nào.

Trước khi đi chi tiết vào Stochastic, hãy tìm hiểu trước về động lượng (momentum) để làm cơ sở

Momentum là gì

Động lượng, momentum, là đà tăng giá/ giảm giá của một tài sản. Theo George Lane, người đã xây dựng Stochastic thì “Chỉ báo Stochastics đo lường động lượng của giá. Nếu hình dung một tên lửa đang bay lên trong không trung –  thì trước khi hạ cánh, nó phải giảm tốc. Động lượng luôn đổi hướng trước giá cả.” (dịch từ nguyên gốc tiếng Anh)

Stochastic oscillator phân tích một phạm vi giá trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 14 chu kỳ giao dịch). Cụ thể hơn, chỉ báo Stochastic oscillator lấy mức giá cao nhất và mức giá thấp nhất trong chu kỳ đó và so sánh với mức giá đóng cửa.

Chúng ta sẽ thử phân tích hai ví dụ sau đây để xem cách Stochastic oscillator hoạt động như thế nào. Để đơn giản phần tính toán, mình sẽ sử dụng 5 chu kỳ (tương đương 5 nến giá), thay vì 14 chu kỳ như trong cách tính gốc.

Stochastic ở mức thấp

Khi chỉ số Stochastic ở mức thấp, nghĩa là giá đóng cửa hiện tại đang gần với đáy của phạm vi giá trong khoảng thời gian khảo sát.

Trong hình bên trên, mức giá thấp nhất là $50, mức giá cao nhất là $80 và mức giá đóng cửa là $55, chỉ hơn $5 so với mức thấp nhất.

Theo công thức tính đường %K trong Stochastic cho 5 chu kỳ

 % K = 100 [(C – L5) / (H14 – L5)] = [(55 – 50 ) / (80 – 50)] * 100 = 17%

Như vậy, %K là 17%, đồng nghĩa với giá đóng cửa chỉ cao hơn 17% so với mức thấp trong phạm vi giá. Bạn có thể thấy, chỉ báo Stochastic cho thấy mức giá đang giảm mạnh trong 5 chu kỳ gần đây nhất, do đó nến giá gần nhất bị đẩy xuống rất mạnh.

Stochastic ở mức cao

Khi chỉ số Stochastic ở mức cao, nghĩa là giá đóng cửa hiện tại đang gần với đỉnh của phạm vi giá trong khoảng thời gian khảo sát.

Ở hình bên trên, mức giá cao là $100, mức giá thấp là $60 và mức giá đóng cửa là $95. Theo công thức tính Stochastic, ta tính được chỉ báo này hiện tại là 88%, nghĩa là mức giá đóng cửa cách xa mức giá cao nhất chỉ có 12% (%K = [(95 – 60 ) / (100 – 60)] * 100 = 88%)

Qua hai ví dụ này, có thể thấy rõ Stochastic cung cấp thông tin về momentum (đà tăng và đà giảm giá). Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều nhà giao dịch là diễn giải thông tin này thành Quá Mua- Quá Bán và đặt lệnh dựa ngay khi thấy Stochastic dao động vượt ra ngưỡng 80 hoặc dưới ngưỡng 20. Đây là sai lầm cực kỳ lớn trong giao dịch Forex

Quá mua – Quá bán

Ở đây xin khẳng định lần nữa, Stochastic không cung cấp tín hiệu quá mua – quá bán, mà chỉ cho thấy đà tăng/ giảm giá của tài sản.

Ở ví dụ giao dịch EUR/USD trong hình trên, ở các vòng tròn đen, chỉ báo Stochastic nhiều lần trên khoảng 80 nhưng giá vẫn tiếp tục tăng. Nếu bạn dựa vào chỉ báo này để xác định quá mua – quá bán, đồng nghĩa với việc bạn chuẩn bị mất gặp nhiều rắc rối.

Vậy, sử dụng chỉ báo Stochastic như thế nào mới chính xác?

Các tín hiệu nhận được từ chỉ báo Stochastic

Stochastic hỗ trợ trader nhận ra tín hiệu phá vỡ mức giá và dấu hiệu phân kỳ. Để có thể xác định được vị trí vào lệnh, thoát lệnh thì nhà giao dịch phải phối hợp với các chỉ báo khác, cụ thể như sau:

Tín hiệu breakout

Nếu bạn đột nhiên thấy đường %K và %D đột ngột thu hẹp, sau đó tăng tốc theo cùng một hướng, đây là tín hiệu một xu hướng mới sắp sửa bắt đầu.

Hình: Minh họa tín hiệu phân kỳ của Stochastic

Tiếp tục xu hướng hiện có: Khi 2 đường %K và %D di chuyển theo cùng một hướng, điều này thể hiện rằng xu hướng hiện tại vẫn đang tiếp tục.

Tín hiệu đảo chiều: Khi Stochastic đổi hướng và rời khỏi ngưỡng 20 và ngưỡng 80, đây là tín hiệu thị trường có thể đảo chiều. Để xác nhận lần nữa, bạn có thể dùng đường MA hoặc đường xu hướng.

Tín hiệu phân kỳ

Một trong những tín hiệu cực kỳ quan trọng của các chỉ báo động lượng là tín hiệu phân kỳ, và Stochastic cũng có thể cung cấp tín hiệu này để bạn có thể dự đoán sự phát triển, đảo chiều, hay kết thúc của một xu hướng.

Cách giao dịch với chỉ báo Stochastic

Stochastic luôn cần sự kết hợp với các công cụ chỉ báo kỹ thuật khác để cung cấp tín hiệu chính xác hơn. Bạn có thể kết hợp Stochastic với đường MA, với đường xu hướng, hoặc đường MACD,…để lọc tín hiệu giả và phát hiện các điểm vào lệnh hay thoát lệnh dễ dàng hơn.

Tạm kết

Hy vọng sau bài phân tích chỉ báo Stochastic này, bạn sẽ nhận ra là việc hiểu rõ bản chất của các công cụ phân tích kỹ thuật vô cùng hệ trọng. Hơn nữa, việc giao dịch dựa vào những kiến thức sai lệch có thể khiến bạn giao dịch không thành công. Hãy tự mình nghiên cứu, đào sâu vào kiến thức để xây dựng chiến lược giao dịch cho bản thân, đừng nên luôn tin vào những kiến thức mù quáng từ người khác mà không kiểm tra, xác nhận lại.

Scroll to Top