Trong cuộc sống hiện tại thường chỉ có 2 cách để tiếp cận tri thức, để học hỏi, đó chính là thông qua tiếp xúc trực tiếp và cách thứ 2 là học qua sách.
Tiếp xúc trực tiếp đó là học thông qua những người mà chúng ta gặp, những gì chúng ta thấy, những môi trường mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Nhưng nó bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Bạn chỉ có thể học từ những điều mà chính tay bạn làm, chính mắt bạn thấy, chính tai bạn nghe ở một không gian hẹp và gần. Điều này khiến cho bạn rất khó để tiếp xúc được với những thứ ở xa bạn, những người mà bạn khó tiếp cận như những chính trị gia hay những nhà tài phiệt, những tỷ phú nổi tiếng.
Nhưng điều này sẽ dễ dàng hơn nếu như bạn đọc sách. Nếu như bạn đọc sách bạn sẽ có thể học hỏi được kinh nghiệm từ những công ty nổi tiếng thế giới như Google, Microsoft, Coca Cola,.. vận hành như thế nào, thất bại ra sao, điều gì khiến họ thành công,… để bạn học hỏi theo. Đọc sách bạn sẽ có cơ hội được tiếp xúc với những kinh nghiệm, kiến thức của những nhà tỷ phú giàu có nhất thế giới. Bởi vì nếu không đọc sách thì bạn không thể nào tiếp cận được với những người như họ.
Vậy đó, những điều lớn lao đều phải tự học qua sách. Thật tiếc cho những người nào không đọc sách. Vậy làm sao để đọc sách mà không cảm thấy chán nản? Hay làm sao để hấp thụ được những kiến thức trong sách. Hãy cùng xem những kỹ năng dưới đây để đọc sách sao cho đúng và hiệu quả nhất nhé.
Bước 1: Biết mình cần gì để lựa chọn sách để đọc.
Rất nhiều người đọc sách không có chọn lọc. Họ đến nhà sách hoặc lên các cửa hàng sách online rồi chọn mua những cuốn sách được cho là bán chạy nhất, best seller ở đó. Nhưng họ không hiểu được rằng những cuốn sách vừa mua đó có thể không phù hợp với họ. Điều đó khiến cho nhiều người mua rất nhiều sách nhưng không bao giờ đọc hoặc không thể nào tiếp tục đọc hết được cuốn sách đó.
Vậy làm sao để lựa chọn sách phù hợp?
Hãy chọn sách theo 2 tiêu chí sau:
- Đọc cái mình thích nhất: Tuy nhiên nên đọc những cái mình thích liên quan đến công việc, những cái có thể mang lại giá trị, lợi ích cho bạn. Hạn chế chọn những cuốn sách mình thích nhưng không mang lại gì cho mình ngoài việc giải trí như truyện tranh, truyện cười,…
- Đọc cái mà mình dở nhất, tệ nhất, cần phải cải thiện, thay đổi nhất. Đọc là để tiếp thu thêm kiến thức, thêm kỹ năng. Nếu bạn đang cần cải thiện kỹ năng nào đó, hãy tìm đọc những cuốn sách dạy về kỹ năng này. Ví dụ nếu bạn là người không giỏi giao tiếp, hãy tìm đọc những cuốn sách viết về nghệ thuật giao tiếp, cách giao tiếp hàng ngày, giao tiếp với khách hàng,…
Chọn và mua sách
Trước khi mua sách hãy lựa chọn những đầu sách phù hợp với mình. Cùng một chủ đề nhưng có rất nhiều cuốn sách viết về nó. Bạn không thể ôm tất cả các đầu sách đó về đọc hết được. Mà nếu có đọc hết thì chưa chắc cuốn sách đó đã phù hợp, mang lại giá trị cho bạn.
Vậy nên trước khi mua sách hãy chọn sách thật kỹ. Bạn có thể xem review của những người đã từng đọc cuốn sách đó, xem nó có mang lại giá trị gì hay không, cuốn sách đó có hay hay không, cuốn sách đó có đáng để đọc hay không. Ngoài ra bạn có thể đọc qua một phần nhỏ của cuốn sách xem nó có thực sự phù hợp với mình hay không.
Sau khi biết được nó phù hợp với mình thì bạn mới nên tìm mua nó. Bạn có thể mua ở nhà sách, tiệm sách cũ hay các trang thuơng mại điện tử đều được.
Lọc các vấn đề cần thiết, vấn đề quan trọng để đọc
Lật mục lục ra và đọc sơ qua xem cuốn sách có những phần nào. Xem thử với những phần đó thì bạn thấy hứng thú, thấy hấp dẫn với cái nào nhất. Hãy đọc những phần đó trước tiên. Hãy sử dụng cuốn sách mà bạn có như một cuốn từ điển, đó chính là bạn đang cần gì nhất, đang thiếu gì nhất hãy tìm đọc phần đó trước tiên rồi đọc những phần còn lại.
Đọc theo khả năng, những vấn đề mình cảm thấy thích hợp, thì nên đọc trước. Hãy đọc chậm rãi và từ tốn, đọc để đưa kiến thức vào đầu mình. Chứ không nên chạy đua theo thời gian mà cố gắng đọc nhanh, đọc qua loa. Điều này sẽ khiến cho bạn không thu thập được kiến thức nào từ cuốn sách đó cả. Thà đọc 1 cuốn mà hiểu rõ, hiểu sâu sắc, còn hơn đọc 10 cuốn mà cuốn nào cũng mơ hồ, cũng không nắm được cuốn sách đó nói gì. Ngoài ra nên sử dụng sách giấy, để đọc, không nên đọc bằng Ebook. Ebook sẽ dễ khiến bạn bị xao nhãng, mất tập trung.
Tạm nhớ lại, tổng kết lại (Recall)
Sau khi đọc xong một chương, một phần của cuốn sách, hãy gấp sách lại và hỏi bản thân mình rằng mình vừa đọc gì xong. Điều này khiến cho bộ não của bạn hoạt động, yêu cầu trí nhớ bạn phải kết nối những thông tin mà bạn vừa đọc xong trở thành những kiến thức. Đọc lần đầu thường sẽ chỉ nhớ qua loa, không nhớ hết được. Recall lại, tổng kết lại những gì bạn vừa đọc sẽ giúp bạn nhớ những gì bạn đọc nhiều hơn, chân thực hơn và điều này sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn sau này. Vậy nên khi đọc xong một phần hãy cố gắng nhớ lại mình vừa đọc cái gì. Nếu bỏ qua phần này trí nhớ của bạn sẽ quên luôn những gì bạn vừa đọc trong 1 tháng sau.
Đọc đầy đủ
Sau khi đọc sơ bộ qua cuốn sách có những gì, đọc và nhớ kỹ được những thứ mình quan tâm thì cuối cùng hãy đọc trọn vẹn, đầy đủ cuốn sách. Đọc từ từ, khoan thai, tận hưởng những gì sách viết. Gạch chân lại những gì bạn cảm thấy hay, cảm thấy đúng, cảm thấy đáng để ghi nhớ. Chỗ nào chưa hiểu thì nên đánh dấu lại để mình tìm hiểu thêm.
Hoặc chỗ nào bạn không đồng tình với tác giả thì cũng nên bình luận vào đó ý kiến của mình. Đọc sách thì nên mạnh dạn chất vấn, phản biện lại nếu tác giả nói sai. Hãy tỉnh táo khi đọc sách. Làm điều này còn giúp rèn luyện tư duy phản biển của bạn.
Đọc lại
Sau khi đọc hết cuốn sách 1 lần rồi, bạn nên đọc lại nó lần 2, lần 3 để ghi nhớ hoàn toàn kiến thức trong cuốn sách đó. Cách này cũng tương tự như Recall, nó giúp bộ não của bạn lưu trữ thông tin trong cuốn sách lâu dài hơn. Có thể những lần đọc lại này sẽ giúp bạn hiểu rõ, hiểu kỹ vấn đề hơn lần đọc đầu tiên.