Đặt giá thầu quảng cáo Facebook ảnh hưởng lớn đến kết quả quảng cáo của bạn. Nếu bạn muốn đánh bại đối thủ trong cuộc đua quảng cáo Facebook, bạn chắc chắn cần sành sỏi trong việc thiết kế các quảng cáo bắt mắt và kỹ thuật copywrting điêu luyện, nhưng như thế vẫn chưa đủ đâu! Bạn cần biết cách nhắm đúng đối tượng mục tiêu và tối ưu hoá cách đấu giá quảng cáo nữa.
Điểm quảng cáo tốt hoặc lựa chọn cẩn thận khách hàng mục tiêu có ý nghĩa gì nếu sau đó bạn đưa ra chiến lược giá thầu sai (wrong bidding strategy)? Bạn có thể kết thúc với việc phải trả quá nhiều tiền cho chiến dịch hoặc chỉ tiếp cận được một phần nhỏ trong tệp khách hàng tiềm năng (potential reach).
Bài viết này bao gồm tất cả thông tin bạn cần biết về đấu giá trên Facebook. Chúng tôi cũng vừa cập nhật thông tin mới nhất trong năm nay để bạn có được cái nhìn tổng quan kịp thời giúp cho các chiến dịch có kết quả cao. Nếu bạn đặt sai giá thầu, hai điều sau có thể xảy ra:
- Bạn phải trả quá nhiều tiền cho kết quả quảng cáo.
- Quảng cáo của bạn sẽ không bao giờ được phân phối vì giá thầu thấp.
Vậy làm thế nào bạn có thể chọn được chiến lược đấu giá phù hợp? Trong bài viết này bạn sẽ tìm thấy tất cả thông tin bạn cần. Nhưng trước tiên… Chúng tôi lưu ý một số thay đổi trong đấu giá quảng cáo Facebook đã xuất hiện vài tháng qua.
Lựa chọn là tuỳ bạn: đọc toàn bộ bài viết này hoặc kéo xuống dưới để xem luôn cập nhật cho năm 2017. Nếu bạn muốn một cái nhìn toàn cảnh…Chúng ta hãy bắt đầu học về Đặt giá thầu Quảng cáo Facebook!
Đặt giá thầu là gì? Nó có phải là cuộc đấu giá không?
Chính xác! Đó là điều đầu tiên bạn cần hiểu để trở thành bậc thầy trong việc quản lý giá thầu quảng cáo Facebook. Khi bạn tạo một chiến dịch mới, bạn đang tham gia vào một cuộc đấu giá khổng lồ, có quy mô toàn cầu.
Bạn sẽ cạnh tranh với hàng trăm ngàn nhà quảng cáo muốn mua những gì Facebook bán: Vị trí trên News Feed (dòng thời gian), Messenger (ứng dụng nhắn tin của Facebook), Audience Network (mạng đối tác), và các ứng dụng trên điện thoại khác để hiển thị quảng cáo của bạn cho người dùng.
Trong khi Facebook cố gắng làm tròn nhiệm vụ với mỗi nhà quảng cáo, thậm chí ngay cả với 1,79 tỉ người dùng hàng tháng, không gian cho quảng cáo vẫn có giới hạn. Đôi khi, Facebook không thể đáp ứng hết tất cả các yêu cầu. Khi điều đó xảy ra, người có giá thầu cao hơn sẽ được nhiều lượt hiển thị nhất. Dẫu vậy, có ba yếu tố sẽ góp phần vào khả năng phân phối quảng cáo: giá thầu của bạn, điểm liên quan và “tỷ lệ hành động ước tính” (Chúng tôi sẽ nói về điều này sau).
Chính vì vậy, đặt giá thầu cao vẫn chưa chắc chắn sẽ thắng chung cuộc đâu. Lượng tiền bạn đấu giá cho một click – 1000 lần hiển thị hoặc chuyển đổi – không phải là số tiền bạn thực sự sẽ phải trả (actually going to pay). Nó chỉ là số tiền lớn nhất bạn sẵn sàng trả để thắng cuộc đấu giá. Facebook (và Google AdWords) sẽ để bạn trả số tiền ít nhất có thể để thắng thầu và hiển thị quảng cáo của bạn.
Hãy xem ví dụ sau, giả định là Facebook chỉ có 3 vị trí để hiển thị quảng cáo và có tới 4 nhà quảng cáo tham gia đấu giá. Tất nhiên hệ thống thực sự thì phức tạp hơn nhiều; ở đây là cách tối giản thôi nhé:
- Nhà quảng cáo A đấu giá 0,3$
- Nhà quảng cáo B đấu giá 0,5$
- Nhà quảng cáo C đấu giá 0,5$
- Nhà quảng cáo D đấu giá 10$
Trong ví dụ này, nhà quảng cáo A có khả năng sẽ bị bỏ lại (left out) và không nhận được lượt hiển thị (impression) nào cả. Nhà quảng cáo B và C sẽ nhận được lượng hiển thị tốt với mức giá nằm đâu đó giữa 0,31$ và 0,5$. Nhà quảng cáo D có thể nhận được nhiều lượt hiển thị hơn với mức giá cao hơn một chút (slightly) so với B & C. Quanh mức 0,35$ và 0,6$ chứ không cần phải trả đến tận 10$. Có hai điểm quan trọng ở đây:
- Nếu bạn cố đặt giá thầu quá thấp, chiến dịch của bạn có thể không nhận được lượt hiển thị đáng có và bạn không đạt được mục tiêu. Nên nhớ, bạn luôn nhận được những gì bạn trả.
- Đừng quá lo lắng về việc đặt giá thầu cao. Bạn sẽ phải trả số tiền thấp nhất có thể để quảng cáo được phân phối cho đối tượng mục tiêu.
Các chiến lược đấu giá quảng cáo trên Facebook
Chỉ hai năm trước đây thôi, cuộc sống của người làm quảng cáo thật đơn giản như là đan rổ! Bạn chỉ có hai cách đấu giá cho quảng cáo là Click và Hiển thị.
Với mức độ tiến hoá vô cùng nhanh của nền tảng quảng cáo Facebook thì giờ đây các nhà quảng cáo hiện đại có nhiều chiến lược đấu giá hơn: CPC, CPM, Conversions (chuyển đổi), Daily Unique Reach, Post Engagement, vân vân và mây mây.
Bạn có biết những thuật ngữ phức tạp đó có ý nghĩa gì không? Chúng ta cùng tìm hiểu mỗi cái và cố gắng biết khi nào bạn nên sử dụng chúng và cách dùng thế nào nhé.
Đấu giá CPM
Với CPM (Cost Per Mile – Đấu giá trên một nghìn lần hiển thị), lượng tiền bạn đặt thầu là số tiền lớn nhất bạn muốn trả để phân phối (deliver) 1000 lần hiển thị tới nhóm khách hàng mục tiêu.
CPM là phương pháp đấu giá ít dự đoán được nhất (unpredictable), và bạn có thể phải tránh xa nó khi bạn đã chi một số tiền lớn mà chẳng nhận được bất kỳ kết quả nào.
Các thương hiệu lớn có thể muốn sử dụng CPM vì nó có khả năng đem lại nhiều lượt hiển thị nhất. Nếu bạn không thực sự tìm đến kết quả cụ thể nào, nhưng chỉ muốn tạo nhận thức thương hiệu (brand awareness) bằng cách hiển thị thương hiệu của bạn cho tập đối tượng khách hàng rộng trên Facebook, vậy thì CPM có thể phù hợp.
Đấu giá CPC
Một trong các chiến lược đấu giá được sử dụng nhiều nhất để quảng cáo Facebook, CPC (Cost Per Click) cho phép bạn đấu giá cho lượt click.
Điều này nghĩa là bạn sẽ chỉ trả tiền khi người dùng click vào quảng cáo. Điều này nghe ngon nhỉ?
Quảng cáo của bạn có thể hiển thị 1 tỉ lần mà bạn chẳng phải trả đồng nào nếu nó không nhận được click. Nhưng chốc nữa bạn sẽ thấy viễn cảnh mộng mơ này sẽ không bao giờ xảy ra.
Trong năm 2015, Facebook đã thay đổi phương pháp đấu giá CPC, vì thế bạn sẽ không phải trả tiền cho mọi kiểu click vào quảng cáo (ví dụ như comment, chia sẻ, click vào website, “đọc tiếp”, vân vân.) Giờ đây, CPC được Facebook định nghĩa là “link clicks” – ví dụ, các click liên quan đến mục tiêu quảng cáo nhất định (certain ad objective):
- Click để ghé thăm trang web khác
- Call-to-action click để truy cập trang web khác (ví dụ “Shop Now”)
- Click để cài đặt ứng dụng
- Click để vào canvas Facebook
- Click để xem video trên một trang khác
Khi đấu giá kiểu CPC, chú ý điều này: Facebook tất nhiên là muốn có được lợi nhuận lớn nhất. Nếu quảng cáo của bạn có điểm liên quan thấp (relevance score) và không có ai click vào nó, Facebook sẽ sớm ngừng phân phối. Sau tất cả, họ sẽ thu nhiều lợi nhuận hơn nếu quảng cáo chỉ có giá 0,1$ tưởng chừng bèo bọt nhận được click 1000 lần so với quảng cáo có giá cao đến 5$ nhưng chỉ được click 5 lần bọ.
Chìa khoá để có được kết quả đấu giá CPC tốt là: Kết quả CTR (tỉ lệ nhấp chuột) càng cao, giá thầu CPC càng thấp. Cuối cùng thì tỉ lệ click cao đem lại doanh số cao nhất cho Facebook.
Đấu giá dựa trên chuyển đổi
Khi bạn đấu giá dựa trên chuyển đổi, Facebook sẽ phân phối quảng cáo của bạn tới nhóm khách hàng mục tiêu mà có khả năng có chuyển đổi nhất – để hoàn thành mục tiêu quảng cáo.
Kiểu chuyển đổi phụ thuộc vào mục đích chiến dịch của bạn. Nếu bạn chọn chiến dịch có mục tiêu Page Like, đấu giá cho Page Like thực tế là đấu giá dựa trên chuyển đổi. Khi mục tiêu chiến dịch quảng cáo của bạn nhận được nhiều khách hàng tiềm năng, chuyển đổi sẽ nhận được một khách hàng tiềm năng mới (đoạn này dịch tối nghĩa quá!).
Đấu giá dựa trên chuyển đổi có khả năng sẽ giúp bạn có được kết quả chiến dịch tốt nhất, khi Facebook phân phối quảng cáo của bạn cho những người quan tâm nhất đến mục tiêu chuyển đổi của bạn.
Nếu bạn đấu giá dựa trên Chuyển đổi và đặt giá thầu thủ công (manual bid), điều ấy nói cho Facebook biết số tiền bao nhiêu bạn sẵn sàng trả cho một chuyển đổi (ví dụ Facebook Page Like hoặc tải ứng dụng).
Khi đấu giá cho Chuyển đổi xảy ra ở trang bên ngoài, hãy đảm bảo rằng bạn có cài đặt Facebook Pixel (nếu bạn chưa có và sử dụng WordPress, hãy dùng plugin Pixel Caffeine của chúng tôi, nó sẽ giúp bạn cài đặt rất đơn giản thôi). Nếu không, Facebook sẽ không có khả năng thu thập kết quả và hệ quả là không tối ưu phân phối quảng cáo cho bạn được, điều này đồng nghĩa với tốn tiền!
Trải nghiệm về đấu giá quảng cáo Facebook…
Tại AdEspresso, chúng tôi không muốn thảo luận về vấn đề nào đó mà không có dữ liệu. Vì thế, chúng tôi đã thực hiện một trải nghiệm nhỏ và tạo 4 chiến dịch giống hệt nhau để tăng like cho trang Fanpage của chúng tôi. Mỗi chiến dịch có cùng ngân sách (budget), thiết kế quảng cáo và các lựa chọn nhắm mục tiêu (targeting options).
Điểm khác biệt chỉ là chiến lược đấu giá được sử dụng: CPM, CPC, oCPM, CPA (lưu ý là tới năm 2017, lựa chọn đấu giá đã thay đổi, như chúng tôi giải thích ở bên trên). Cùng xem chúng hiệu quả thế nào khi so sánh với nhau:
Trong khi đây chỉ là thử nghiệm nhỏ với ngân sách thấp, nó phản ánh những gì chúng tôi thấy qua các chiến dịch hàng triệu đô trên nền tảng AdEspressco. Cùng xem chúng ta có gì:
- Chiến dịch CPC tạo ra số lượng click cao nhất. Dẫu vậy, chỉ 20% trong số đó là click like trang của chúng tôi.
- Chiến dịch CPM phân phối được lượng hiển thị lớn nhất: 316 100! Tuy vậy kết quả thật nhỏ bé: 2 like.
- oCPM, đúng như chúng tôi mong chờ, nó thực sự tốt ở chỗ chỉ phân phối quảng cáo của chúng tôi cho những người ưa thích: Với chỉ 8000 lượt hiển thị, ghi nhận 53 lượt like với mức giá cho mỗi lần like thấp nhất so với những cách còn lại $0,982. Mặc dù nó có giá hiển thị khá đắt nhưng nó lại có ROI tổng thể rất tuyệt. Ghi chú oCPM là viết tắt của Optimized CPM.
- Chiến dịch CPA cũng có hiệu năng thực sự tốt và chỉ đắt hơn oCPM lượng tiền không đáng kể cho mỗi like ($0,073). Dẫu vậy, nó cần lượt hiển thị gấp đôi so với oCPM để có được kết quả này.
Cập nhật tháng hai năm 2017: Đấu giá Tối đa và Trung bình
Facebook không bao giờ ngủ quên và chúng ta thấy các thay đổi nhỏ cho nền tảng quảng cáo từ tháng này qua tháng khác. Thực tế, bạn có thể tìm thấy tin mới nhất về Facebook trong bài viết sau của chúng tôi. Thay đổi lớn nhất trong chiến lược đấu giá quảng cáo của Facebook là: Khi bạn tối ưu phân phối quảng cáo cho Chuyển đổi và lựa chọn đặt giá thầu thủ công, bạn có thể chọn giữa maximum và average bids.
Khi bạn chọn lựa “Average” bid, bạn nói với Facebook biết đâu là tổng tiền trung bình bạn muốn chi cho mỗi chuyển đổi. Facebook sẽ làm tốt nhất có thể để phân phối các kết quả phù hợp nhất trong giới hạn ngân sách và giá thầu của bạn.
Khi thiết lập giá thầu trung bình, Facebook sẽ sử dụng phương thức gọi là pacing. Pacing giúp tránh sử dụng toàn bộ ngân sách ở thời điểm bắt đầu ngày vì điều đó sẽ làm lỡ cơ hội chuyển đổi có giá thấp trong nửa còn lại của ngày.
Với pacing, Facebook sẽ cho bạn chuyển đổi có giá thấp hơn nhiều so với giá thầu trung bình nhưng cũng có một số chuyển đổi có giá cao. Như là kết quả, bạn sẽ nhận được nhiều chuyển đổi hơn với giá thầu trung bình bạn muốn. Trong ví dụ bên dưới, hãy tưởng tượng bạn có ngân sách 50$ và thiết lập giá thầu trung bình là 10$. Trong kịch bản này, bạn chi 48$ ngân sách cho 6 kết quả với số tiền trung bình chi thực tế là 8$.Khi nào bạn sử dụng chiến lược đấu giá tối đa: Nếu mục tiêu của bạn là tối đa hoá lợi nhuận và có được khách hàng tiềm năng với giá thấp, hãy để chiến lược giá thầu tối đa (maximum bid).
Khi nào bạn sử dụng chiến lược giá thầu trung bình: Nếu mục tiêu của bạn là tối đa hoá phân phối quảng cáo và nhận được nhiều chuyển đổi nhất có thể (ngay cả khi giá của chúng có cao hơn chút ít), hãy đặt kiểu đấu giá trung bình (average bid).
Nơi bạn tuỳ chỉnh & xem lựa chọn đấu giá
Để tuỳ chỉnh và xem các lựa chọn đấu giá, hãy vào phần “Ngân sách và Lịch” (Budget and Schedule). Điều này có thể được tìm thấy trong phần thiết lập quảng cáo (Ad Set) của Facebook. Bạn sẽ thấy phần “hiển thị các tuỳ chọn nâng cao” (show advanced options) ngay bên dưới nơi bạn thiết lập tuỳ chọn đấu giá nâng cao.
Trong khu vực tuỳ chọn nâng cao, bạn sẽ lựa chọn điều gì bạn muốn tối ưu cho việc phân phối quảng cáo, thiết lập đấu giá thủ công (nếu bạn chọn sử dụng chúng), và quyết định xem bạn sẽ trả tiền cho kiểu kết quả nào.
Bây giờ chúng ta đã có nền tảng cơ bản, hãy xem xét kỹ hơn một số tuỳ chọn đấu giá.
Lựa chọn cách tối ưu của bạn
Phần trước, khi bạn tối ưu hoá phân phối quảng cáo cho Click, kiểu mà bạn muốn thanh toán là CPC (hoặc Cost Per Click). Nếu bạn tối ưu hoá cho Chuyển đổi (Conversions), bạn trả tiền cho CPA (Cost Per Action).
Bây giờ, khi bạn chọn một phương thức tối ưu hoá phân phối quảng cáo nào đó, nghĩa là bạn chọn nhóm người nào đấy ưa thích nhất quảng cáo của bạn.
Ví dụ nếu bạn tối ưu hoá cho Chuyển đổi, Facebook sẽ hiển thị quảng cáo của bạn cho những người dùng có khả năng chuyển đổi cao nhất. Nếu bạn lựa chọn tối ưu hoá cho Tương tác Bài đăng (Post Engagement), Facebook sẽ phân phối quảng cáo của bạn đến những người từng comment, like, và share quảng cáo trong quá khứ, ví dụ thế. Hầu hết các kiểu mục tiêu quảng cáo sẽ cho phép bạn tối ưu hoá cho:
- Chuyển đổi (Conversion) – Tối ưu hoá chiến dịch quảng cáo cho Chuyển đổi là chiến thuật đấu giá được khuyến nghị bởi Facebook. Bằng cách sử dụng phương thức này, Facebook sẽ phân phối quảng cáo của bạn tới người có khả năng chuyển đổi nhất, vì thế bạn sẽ nhận được kết quả tốt nhất với mức giá thấp nhất.
- Link Clicks – Facebook sẽ tập trung vào việc nhận được click vào quảng cáo từ người dùng. Nếu bạn cố gắng có được nhiều truy cập đến trang Landing page, hoặc xem trang Fanpage, CPC có thể là lựa chọn tốt đấy.
- Hiển thị (Impressions) – Lựa chọn này tập trung vào việc hiển thị quảng cáo của bạn cho nhiều người nhất có thể. Điều này rất tốt cho doanh nghiệp muốn xây dựng nhận thức thương hiệu (brand awareness) hoặc để gợi nhớ lại trong tệp khách hàng remarketing vào một khoảng thời gian nào đó. Không giống như cách đấu giá tối ưu Chuyển đổi, khi đấu thầu dựa trên lượt hiển thị, Facebook không tối ưu hoá phân phối quảng cáo cho những người có khả năng tham gia nhất. Nó chỉ đơn giản là phân phối quảng cáo cho bất cứ thành viên nào vào bất cứ khung thời gian nào có thể.
- Tiếp cận một lần duy nhất trong ngày (Daily Unique Reach) – Lựa chọn phương thức đấu giá Daily Unique Reach cho phép Facebook phân phối quảng cáo tới người dùng chỉ một lần mỗi ngày. Đây có thể là ý tưởng tốt khi tập trung vào nhóm nhỏ tiếp thị lại hoặc bất cứ khi nào bạn muốn đảm bảo quảng cáo tiếp cận được tất cả khách hàng tiềm năng. Nếu bạn lo lắng về tần suất hiển thị cao (giả dụ bạn nghĩ điều đó làm khách hàng khó chịu), Daily Unique Reach có thể sẽ là phương thức đấu giá tốt.
- Tương tác (Post Engagement) – Khi bạn lựa chọn tối ưu hoá cho tương tác, Facebook sẽ phân phối quảng cáo của bạn tới những người có khả năng sẽ like, share hoặc comment. Điều này có thể là lựa chọn tốt khi bạn muốn quảng bá bài đăng blog trên Facebook.
- Nhận thức thương hiệu (Brand Awarness) – Facebook sẽ ưu tiên hiển thị quảng cáo của bạn cho những người sẽ chú ý đến nó. Họ có thể “khảo sát một phần nhỏ trong tệp đối tượng” để phân phối tốt nhất nhận thức thương hiệu.
- Khách hàng tiềm năng (Lead) – hãy đến với mục tiêu lấy thông tin khách hàng tiềm năng, lựa chọn này sẽ hiển thị quảng cáo của bạn cho những ai thích chia sẻ thông tin của họ, và nó sẽ thực hiện điều đó với giá thấp nhất có thể.
Có phải biện pháp tối ưu hoá ảnh hưởng đến chi phí không?
Để ý điều này: biện pháp tối ưu hoá có thể ảnh hưởng đến chi phí của bạn, cho dù có thể nó không biểu lộ rõ ràng trong thời gian ngắn và khó theo dõi chính xác. Bạn có thể chạy cùng quảng cáo, nói cách khác, với hai cách tối ưu hoá khác nhau, bạn sẽ nhận được kết quả và chi phí cũng khác nhau.
Đây là lý do: đối tượng khách hàng mục tiêu thấy quảng cáo của bạn sẽ khác nhau dựa trên điều gì bạn muốn tối ưu hoá. Một số người có thể không thực hiện vài kiểu hành động nhất định như những người khác; thí dụ một số luôn click vào quảng cáo, nhưng những người khác thậm chí không bao giờ comment đến một lần. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ hành động và điểm chất lượng (relevance score), những thông số ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và liệu quảng cáo của bạn có được ưu tiên hay không.
Còn về CPC, CPM và CPA thì sao?
Trong quảng cáo Facebook, tuỳ chọn đấu giá của bạn phụ thuộc vào mục tiêu chiến dịch. Thí dụ, nếu mục tiêu chiến dịch là thiết lập Nhận Thức Thương Hiệu, bạn không muốn đấu giá cho chuyển đổi (vì bạn không cần chuyển đổi).
Đây là danh sách các mục tiêu chiến dịch và các lựa chọn đấu giá tương ứng:
- Chuyển đổi, điều này cho phép bạn đấu giá với Chuyển đổi, Click Link và Hiển thị.
- Traffic, điều này cho phép đấu giá dựa vào Link Click (CPC) và Hiển thị.
- Cài đặt ứng dụng (App installs), điều này cho phép bạn đấu giá dựa vào cài đặt ứng dụng, Hiển thị và Click Links.
- Xem video, điều này cho phép bạn lựa chọn giữa việc xem video từ 10 giây trở lên và Hiển thị.
Các yếu tố ảnh hưởng để dành chiến thắng trong cuộc đấu giá
Vậy thì làm cách nào để bạn chắc chắn mình chiến thắng trong cuộc đấu giá? Có vài yếu tố bạn cần nhớ, tất cả trong số đó đều ảnh hưởng đến liệu quảng cáo của bạn có được hiển thị cho người mà bạn muốn họ xem nó nhất không. Chúng bao gồm:
- Giá thầu của bạn. Giá thầu trên Facebook là một cuộc đấu giá, điều đó có nghĩa là nếu bạn sẵn sàng trả cao hơn, khả năng chiến thắng của bạn cũng lớn hơn. Nếu bạn để giá thầu theo kiểu tự động (automatic bidding), việc này sẽ được hoàn thành khá tốt, giá thầu của bạn sẽ đủ cao để chiến thắng trong hệ thống đấu giá. Theo Facebook, bạn sẽ thường “chỉ trả ít hơn giá bạn đặt thầu”. Nên nhớ đừng đặt giá thầu quá cao, kết quả bạn nhận được có thể không đúng như giá trị thực của nó. Nếu làm vậy bạn có thể sỡ hữu một chiến dịch có ROI tệ hại và mất tiền thay vì chiến thắng!
- Điểm chất lượng (liên quan). Điểm chất lượng của quảng cáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí bạn phải trả và cách Facebook ưu tiên phân phối. Nếu bạn có điểm chất lượng cao, Facebook sẽ ưu tiên cho quảng cáo của bạn hơn và giảm giá tiền trên mỗi kết quả.
- Ước tính tỉ lệ hành động. Facebook ước tỉ lệ hành động (theo những gì mà họ nói) bởi một số yếu tố khác. Nếu thuật toán của họ tin rằng một số hành động trên quảng cáo của bạn là cao, bạn sẽ nhận được nhiều ưu tiên hơn trong cuộc chiến đấu giá.
Kết luận cuối cùng
Ý tưởng cơ bản về đấu giá quảng cáo trên Facebook vẫn như vậy qua thời gian: bạn đấu giá để có được khách hàng tương tác (hoặc hành động) với quảng cáo của bạn.
Một số yếu tố góp phần trong cuộc đấu giá quyết đinh bạn có chiến thắng để nhận được lượt xem không, và hiểu tất cả các yếu tố này cộng với cách xử lý bên dưới có thể giúp bạn có được kết quả mong muốn.
Đâu là chiến lược đặt giá thầu ưu thích của bạn? Bạn đã có kinh nghiệm với các kiểu đấu giá khác nhau chưa? Hãy nói cho chúng tôi biết ở phần comment bên dưới và nhớ là: Trong khi dữ liệu trình bày trong bài này sẽ đúng với hầu hết mọi người, nhưng cũng đừng giả định bất cứ cái gì. Luôn kiểm tra tất cả mọi thứ!
(Dịch từ bài viết Facebook Ads Bidding 101: Everything You Need to Know (…Supported by Data) 2017 EDITION – tác giả Massimo Chieuzzi, AdEspresso – Người dịch: Nguyễn Đức Anh)
Nguồn: ATP Software