TẬP ĐOÀN VÀ TỔNG CÔNG TY LÀ GÌ? TẬP ĐOÀN NÀO LỚN NHẤT VIỆT NAM?

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty là tập hợp các công ty ở quy mô lớn hoạt động một trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ở phạm vi một nước hay nhiều nước. Trong đó có một công ty mẹ nắm quyền lãnh đạo, chi phối hoạt động của các công ty con khác.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty ở nước ta hiện nay có 2 hình thức, đó là:

  • Tập đoàn kinh tế Nhà nước / Tổng công ty Nhà nước
  • Tập đoàn kinh tế Tư nhân / Tổng công ty Tư nhân.

Tập đoàn kinh tế Nhà nước / Tổng công ty Nhà nước

Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước là nhóm công ty có quy mô lớn liên kết dưới hình thức công ty mẹ – công ty con và các hình thức khác, tạo thành tổ hợp các doanh nghiệp gắn bó chặt chẽ và lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác, bao gồm:

  • Công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối theo quyết định của thủ tướng chính phủ.
  • Công ty con của doanh nghiệp cấp I là các doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp I giữ quyền chi phối. Các công ty con này được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một hoặc hai thành viên trở lên.
  • Tổng công ty theo hình thức công ty mẹ –  công ty con, công ty liên doanh, công ty con ở nước ngoài, công ty con của doanh nghiệp cấp II và các cấp tiếp theo
  • Các doanh nghiệp liên kết của tập đoàn.

Tập đoàn kinh tế tư nhân

Tập đoàn kinh tế tư nhân được hình thành bằng chính sự tăng trưởng quy mô và mở rộng phạm vi hoạt động của chính các doanh nghiệp. Việc hình thành tập đoàn hoàn toàn là do nhu cầu và nội lực của doanh nghiệp và không có bất cứ một quyết định chuyển đổi hay sắp xếp hành chính nào.

Tập đoàn có thể nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối tại các công ty con.

Tập đoàn Vingroup – Một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam năm 2018

 

Trong tập đoàn kinh tế tư nhân:

  • Công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn.
  • Công ty con được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc của pháp luật liên quan.

Công ty mẹ, công ty con và các công ty khác hợp thành tập đoàn kinh tế có các quyền, nghĩa vụ, cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động phù hợp với hình thức tổ chức doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, pháp luật liên quan và điều lệ công ty.

Điều kiện để trở thành tập đoàn:

  • Có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất, cung úng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia về kinh tế
  • Tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia;
  • Tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
  • Thủ tướng Chính phủ quy định các ngành, lĩnh vực kinh doanh được xem xét thành lập tập đoàn kinh tế trong từng thời kỳ.
  • Vốn điều lệ của công ty mẹ phải có ít nhất là 10.000 tỷ đồng.
  • Nếu công ty mẹ là hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ.
Tập đoàn kinh tế phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.

Top 10 Tập đoàn lớn nhất Việt Nam (năm 2018)

1. TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
2. TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM
3. TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP VIỄN THÔNG – QUÂN ĐỘI (VIETTEL)
4. TẬP ĐOÀN XĂNG DẦU VIỆT NAM
5. TẬP ĐOÀN VINGROUP
6. TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN – KHOÁNG SẢN VIỆT NAM
7. TẬP ĐOÀN BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM (VNPT)
8. CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN VÀNG BẠC ĐÁ QUÝ DOJI
9. CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN HÒA PHÁT
10. CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN MASAN
(Theo VNR500 – Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam)
Scroll to Top