Kinh doanh là hoạt động phong phú nhất của nhân loại. Người xưa có câu: “Phi thương bất phú”, có nghĩa rằng: “Nếu không kinh doanh, không có thương mại mua bán, thì không thể giàu được.” Chính vì lẽ đó nên hiện nay hầu như ai ai cũng đổ xô đi mua bán, kinh doanh. Nhưng không phải ai cũng được đào tạo bài bản để hiểu kinh doanh gồm những yếu tố nào tác động. Trong bài viết này sẽ đề cập đến những yếu tố, khái niệm trong kinh doanh mà bạn cần phải biết nếu muốn giàu có.
1. Doanh thu (Revenue)
Một doanh nghiệp sẽ 3 nhóm doanh thu là:
- Doanh thu từ bán hàng hóa;
- Doanh thư từ hoạt động đầu tư khác;
- Doanh thu từ hoạt động tài chính. Hàng hóa có thể là sản phẩm hoặc dịch vụ.
Nếu như một công ty thương mại dạng T-H-T‘, có nghĩa dùng tiền mua hàng ở đầu vào sau đó bán cho khách hàng ở đầu ra lấy lại tiền thì doanh thu sẽ bằng số lượng hàng bán ra nhân với giá tiền bán ra hoặc có thể tính bằng tổng giá trị đơn hàng ở đầu ra.
Đối với công ty dịch vụ kiểu như cửa hàng ăn thì cách tính cũng tương tự, bằng tổng các hóa đơn thanh toán của khách hàng. Đối với các công ty dịch vụ kiểu như thuê quét dọn, thuê bảo vệ thì doanh thu sẽ bằng tổng giá trị các đơn hàng bán ra.
Doanh thu từ họat động tài chính: có thể tại một giai đoạn nào đó doanh nghiệp không dùng hết số vốn chủ sở hữu của mình thì họ sẽ cho vay lấy lãi.
Doanh thu từ họat động đầu tư khác như là đầu tư vào thị trường chứng khoán, vàng, nhà đất,..túm lại là các lĩnh vực không thuộc lĩnh vực đầu tư chính của DN.
Chú ý doanh thu là doanh thu trước thuế VAT. Ví dụ như ta bán được 11 tỷ tiền hàng, thuế VAT 10%; thì doanh thu của ta là 10 tỷ chứ không phải 11 tỷ. Tương tự, chi phí phải là chi phí trước thuế.
2. Giá vốn hàng bán
Giá vốn hàng bán là toàn bộ chi phí để tạo ra một thành phẩm. Đối với một công ty thương mại thì giá vốn hàng bán là tổng chi phí cần thiết để hàng có mặt tai kho ( giá mua từ nhà cung cấp, vận chuyển, bảo hiểm,….). Đối với một công ty sản xuất thì cũng tương tự nhưng phức tạp hơn một chút do đầu vào của nó là nguyên liệu chứ chưa phải thành phẩm.
Một số nhà cung cấp họ có thể chuyển hàng tới tận kho của chúng ta, họ cộng các khoản chi phí như vận chuyển, bảo hiểm, thuế má…vào giá bán chúng ta. Như vậy giá vốn hàng bán sẽ tính toán cụ thể tùy thuộc vào hợp đồng với nhà cung cấp quy định cụ thể như thế nào.
Ví dụ: Tôi mở một cửa hàng bán đĩa với số vốn chủ sở hữu là 100 triệu, giá vốn của đĩa CD trắng tôi sẽ bán là 1000 đồng/ chiếc, là giá mà nhà cung cấp mang hàng tới tận nơi.
3. Chi phí
Doanh nghiệp có các loại chi phí bao gồm:
Chi phí cố định
Chi phí cố định luôn phát sinh khi bạn quyết định bắt đầu một hoạt động kinh tế và nó liên quan trực tiếp đến trình độ sản xuất, chứ không phải sản lượng. Chi phí cố định bao gồm (nhưng không giới hạn): khấu hao tài sản, chi phí lãi vay, thuế và chi phí chung (chi phí lao động, chi phí năng lượng, chi phí khấu hao).
Có một xưởng mộc chủ yếu đóng bàn, ghế và tủ quần áo, sử dụng 50 nhân công. Cơ sở sản xuất phải mất một khoản lớn cho các chi phí cố định. Đây là khoản chi phí không đổi mỗi tháng, và chỉ có thể thay đổi sau một năm. Đó có thể là tiền lương, hóa đơn tiền điện hàng tháng và chi phí khấu hao tài sản lưu động (có bao gồm máy móc) và tài sản cố định (như nhà xưởng).
Chi phí biến đổi
Chi phí biến đổi là loại chi phí thay đổi liên quan trực tiếp đến sản lượng. Đó là các chi phí bán hàng, chi phí sản xuất, chi phí nhiên liệu và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc sản xuất hàng hoá hoặc một khoản vốn đầu tư.
Đối với xưởng mộc, chi phí biến đổi sẽ chủ yếu là các chi phí cho nguyên liệu, phụ liệu, bán thành phẩm như gỗ, đinh hay tay kéo cửa bằng đồng. Nếu họ sản xuất 50 tủ quần áo/tháng, thì chi phí này sẽ ít hơn so với lúc họ sản xuất 75 tủ quần áo trong một tháng khác. Vì thế, đây là các chi phí thay đổi hàng tháng.
4. Lợi nhuận
Lợi nhuận gộp (Income)
Lợi nhuận gộp = Tổng doanh thu – Tổng giá vốn hàng bán. Ví dụ như ta doanh thu 10 triệu do bán mặt hàng A, giá vốn của mặt hàng A là 8 triệu đồng, thì lợi nhuận gộp là 2 triệu đồng.
Lợi nhuận ròng (Lợi nhuận thuần) (Net Income)
Lợi nhuân ròng = Lợi nhuận gộp – Chi phí bán hàng – Chi phí quản lý… (các loại chi phí khác mà DN phải bỏ ra).
Lợi nhuận trước thuế
Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận thuần – Thuế thu nhập doanh nghiệp. Ví dụ như thuế thu nhập của DN VN là 25% (đang có hướng xuống 20%).
5. Tài sản (Assets)
Doanh nghiệp đương nhiên phải có Tài sản, cụ thể, = Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn:
- Tài sản ngắn hạn: bao gồm tiền và các khoản tương đương với tiền, đầu tư ngắn hạn, khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác.
- Tài sản dài hạn: bao gồm tài sản cố định (máy móc,…), bất động sản, các khoản đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác. Tài sản dài hạn khác là khoản phải thu dài hạn, dự phòng nợ khó đòi.
6. Nguồn vốn
Nguồn vốn là số tiền doanh nghiệp phục vụ vào mục đích sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn = Tổng Nợ + Vốn chủ sở hữu. Nợ = Nợ ngắn hạn + Nợ dài hạn.
Nợ ngắn hạn bao gồm vay ngắn hạn, phải trả người bán, người mua trả tiền trước, thuế và các khoản phải nộp nhà nước, phải trả người lao động và các khoản phải trả ngắn hạn khác. Nợ dài hạn là các khoản vay dài hạn, quỹ dự phòng và các khoản phải trả khác.
Vốn chủ sở hữu = Vốn đầu tư của chủ sở hữu + lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
7. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn ROA (Return of Assets)
ROA = Lợi nhuận sau thuế/ Tổng tài sản.
Vì Tổng tài sản luôn bằng tổng nguồn vốn nên công thức sau cũng vẫn đúng ROA = Lợi nhuận sau thuế/ Tổng nguồn vốn.
Tùy thuộc vào mỗi loại hình doanh nghiệp mà ROA khác nhau, vì vậy chỉ có thể so sánh các doanh nghiệp có cùng đặc thù kinh doanh, hoặc cùng ngành. Ví dụ như công ty A có doanh số là 100 tỷ, lợi nhuận sau thuế là 10 tỷ thì ROA = 10%; Công ty B có doanh số là 30 tỷ, lợi nhuận sau thuế là 6 tỷ thì ROA = 20%. Điều này nói lên việc công ty B sử dụng nguồn vốn tốt hơn, có thể do giá bán của nó tốt hơn hoặc chi phí của nó thấp hơn,…
8. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return of Common Equity)
ROE = Lợi nhuận sau thuế/ Vốn chủ sở hữu.
Chỉ số này là quan trọng nhất trong các loại chỉ số. Nó thể hiện số tiền mang lại từ mỗi đồng đầu tư. Trong trường hợp công ty A ở trên nếu vốn chủ sở hữu của nó là 20 tỷ thì ROE = 10tỷ/20 tỷ=50%. Giả sử như công ty B có vốn chủ sở hữu cũng là 20 tỷ thì ROE = 6/20= 30%. Như vậy mặc dù ROA của B hơn A nhưng ROE của A lại hơn B, điều đó có nghĩa là công ty A hoạt động tốt hơn.
Như vậy ROE sẽ phải lớn hơn lãi gửi ngân hàng hiện nay là 8% thì mới bõ đầu tư vì gửi ngân hàng an toàn trong khi kinh doanh thì có thể lỗ.
9. Lợi nhuận sau thuế trên mỗi nhân viên
Chỉ số náy phản ánh số tiền trung bình mà mỗi nhân viên kiếm được. Chỉ số càng cao thì đương nhiên là càng tốt vì nó thể hiện được hiệu suất làm việc. Nhưng việc so sánh cũng phải diễn ra trong cùng một ngành thì mới có thể nói chỉ số đó là tốt hay xấu. Năm 2012 Vietcombank có khoảng 12.000 người; như vậy trung bình mỗi nhân viên mang lại lợi nhuận khoảng 120 triệu.
Các biến thể khác như Doanh thu trên mỗi nhân viên, Lợi nhuận trên mỗi nhân viên bán hàng,…
10. Định giá bán cho sản phẩm/dịch vụ
Định giá hàng bán là việc doanh nghiệp phân tích để xác định giá bán ra cho một mặt hàng nào đó.
Thông thường ta sẽ thấy mấy chiến lược định giá sau:
- Hớt váng: áp dụng khi nhu cầu lớn nhưng cung ít. Chiến lược này được apple đặc biệt sử dụng để đạt lợi nhuận > 30% trên mỗi sản phẩm.
- Thâm nhập thị trường: áp dụng khi sản phẩm vào thị trường mới, nhiều đối thủ, doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận ít để cho khách hàng chấp nhận. Chú ý nếu như doanh nghiệp bán giá dưới chi phí làm ra sản phẩm đó thì gọi là phá giá, phạm luật.
- Căn vào chi phí : doanh nghiệp tính ra tổng chi phí sau đó cộng thêm lợi nhuận mong muốn.
- Căn vào giá trị sử dụng: doanh nghiệp tính giá trị tạo ra bằng tiền trong toàn bộ vòng đời sản phẩm mà người sử dụng có được. Thông thường doanh nghiệp luôn muốn bán giá bằng với Giá trị sử dụng nhưng cũng phải căn vào giá mà người tiêu dùng có thể chấp nhận dược.
- Căn vào lợi nhuận: Ví dụ như doanh nghiệp cần đạt ROE là x, thông qua số lượng có thể bán, chi phí cố định và biến đối để tính ra giá bán có thể đạt được lợi nhuận từng đó.
- Định giá khi người tiêu dùng đánh đồng giữa chất lượng và giá: Nhiều người nghĩ rằng giá cao thì sản phẩm chắc chất lượng. Người bán sẽ căn vào suy nghĩ này để bán giá cao, đặc biệt là với những hàng hóa đặc thù khó đo đếm giá trị làm ra.
Việc định giá còn phải căn vào Nhu cầu thị trường nữa vì vòng đời sản phẩm chỉ có giới hạn nhất định. Nếu như hết vòng đời mà chưa đạt tới điểm hòa vốn thì định giá có vấn đề, hoặc chất lượng sản phẩm khiến không thể định giá cao hơn.
11. Phân tích điểm hòa vốn
Định nghĩa chung: Điểm hòa vốn là điểm mà tại đó lợi nhuận tạo ra bằng với chi phí cố định.
Để tính toán được điểm hòa vốn trong phân tích này, bạn cần một số dữ kiện nhất định, cụ thể là chi phí cố định, giá bán sản phẩm và chi phí biến đổi cho mỗi sản phẩm.
Điểm hòa vốn được xác định là thời điểm khi chi phí cố định được thu hồi. Nó chỉ xảy ra khi ta có cái gọi là lãi trên Số dư đảm phí (contribution margin), đó là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí biến đổi. Khi lấy chi phí cố định chia cho lãi trên số dư đảm phí bạn sẽ có điểm hòa vốn.
Xem công thức Điểm hòa vốn trong hình dưới đây:
Điểm hòa vốn = chi phí cố định / (giá bán – chi phí biến đổi)
Tổng hợp nhiều nguồn