Bên cạnh trợ lý ảo thì Chatbot – dịch vụ trả lời tự động dựa trên trí thông minh nhân tạo cũng đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Công nghệ này cũng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển khi được tích hợp vào nhiều ứng dụng nhắn tin từ Facebook Messenger, Slack cho đến WeChat. Lợi ích của chatbot rõ ràng hơn khi nó cho phép chúng ta gọi thức ăn nhanh, gọi xe Uber hay thậm chí tư vấn sức khoẻ. Các doanh nghiệp hiện nay sẽ có thể khai thác chatbot để một mặt duy trì sự chuyên nghiệp trong khâu giao tiếp với khách hàng, mặt khác chatbot giúp tiết kiệm tiền, thời gian và tăng doanh số nhờ sự xuất hiện rộng khắp của nó từ trang web của công ty cho đến các chức năng hỗ trợ khách hàng.
1. Hỗ trợ khách hàng ngay lập tức:
Với chatbot, bạn có thể ngay lập tức hiện diện và hỗ trợ khách hàng. Chẳng hạn với một câu hỏi phổ biến như: “Khi nào khoảng tiền hoàn trả của tôi được xử lý?” thì bạn có thể soạn sẵn một câu trả lời chung cho câu hỏi này để sau đó các nhân viên có thể tập trung vào các vấn đề phức tạp hơn.
Một khách hàng có thắc mắc như vậy thay vì phải ngồi ngáp ruồi lắng nghe bài nhạc chờ hoặc bị chuyển cuộc gọi từ số này sang số khác mà không thấy ai trả lời thì chatbot sẽ đặt các câu hỏi của người dùng vào một khu vực cần hồi đáp ngay và lập tức gặp gỡ người dùng, trả lời các câu hỏi của họ trên một nền tảng quen thuộc đối với họ.
Một lợi thế khác là sự đồng nhất về tiếng nói. Bạn có thể điều khiển tông, giọng nói của chatbot để nó có thể truyền tải những thông điệp được chuẩn bị kỹ càng. Con người có thể nói mông lung, lạc đề và thậm chí là gằn giọng với khách hàng nhưng bot thì không, lập trình sao nó nói vậy. Mặc dù chatbot không thể giải quyết mọi vấn đề với độ linh hoạt như con người nhưng với những vấn đề đơn giản, nó hoàn toàn có thể.
2. Tăng doanh số bán hàng:
Chatbot có thể tăng doanh số bán hàng trực tuyến. Mặc dù không thể thay thế các nhân viên bán hàng thật nhưng chúng có thể hỗ trợ họ bằng cách trở thành người đầu tiên tiếp xúc với khách hàng. Bạn có thể tạo ra các đoạn hội thoại tự động dành cho khách hàng mới.
Chatbot vẫn là một công nghệ khá mới mẻ nhưng sau cùng, chúng sẽ sử dụng trí thông minh nhân tạo để thu thập dữ liệu cần thiết để phụ trách tư vấn một số loại sản phẩm nhất định cho người dùng. Một ví dụ, khách hàng có thể yêu cầu chatbot tìm kiếm một chiếc áo khoác màu đen hoặc màu xanh và đặc biệt phải có mũ trùm đầu. Chatbot có thể lục tìm những sản phẩm đáp ứng những yêu tố vừa nêu và giới thiệu cho khách hàng. Quy trình này cũng mang tính tích luỹ, tức là trong lần tương tác tiếp theo, chatbot sẽ lưu nhớ thông tin khách hàng đã hỏi lần trước hay chính là sở thích của khách hàng để tham chiếu.
Chức năng này sẽ còn phát huy hiệu quả tối đa nếu bạn kinh doanh những sản phẩm phổ biến có thể được tuỳ biến dễ dàng bằng cách thêm vào các tuỳ chọn. Chẳng hạn như bạn mở cửa hàng bán bánh pizza, khách hàng có thể đặt bánh bằng cách chọn trong danh sách kích cỡ bánh, độ dày, nhân bánh, thêm các thành phần theo yêu cầu.
3. Càng tự động hoá, càng hiệu quả:
Chatbot không thể gánh vác toàn bộ hoạt động kinh doanh của bạn nhưng chúng có thể thay thế được những nhân viên thực hiện những công việc đơn giản nhưng quan trọng. Đây là những công việc mang tính thường xuyên và không thể thiếu trong hoạt động điều hành kinh doanh chẳng hạn như trả lời các thắc mắc từ phần câu hỏi thường gặp (FAQ), nhận và điền các loại form phổ biến và biên soạn dữ liệu dành cho người dùng.
Rất nhiều tác vụ như vậy được thực hiện lặp đi lặp lại một cách tự nhiên và điều này có nghĩa bạn có thể huấn luyện cho 1 chatbot xử lý chúng với rủi ro thấp nhất và tiết kiệm được nhiều thời gian.
Tóm lại chatbot có thể mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ. Khách hàng không cần phải tìm kiếm trên Internet, đợi điện thoại, tìm ứng dụng tương ứng hay phải tập làm quen với quy trình mới khi chatbot có thể xuất hiện ngay trên những nền tảng quen thuộc với họ, chẳng hạn như trong ứng dụng nhắn tin hay một giao diện hội thoại họ hay dùng.